Giá trị XK cá ngừ của Ecuador trong tháng 1/2023 đã giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 5,95 triệu USD.
Hiện tượng La Nina, một mô hình khí hậu mô tả sự nguội đi của bề mặt nước biển dọc theo bờ biển nhiệt đới phía tây của Nam Mỹ, đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngành cá ngừ Ecuador kể từ cuối năm 2021, khiến sản lượng giảm và chi phí tăng đáng kể.
Hơn nữa, XK cá ngừ đạt 267.495 tấn vào năm 2022, giảm 3,4% so với 276.856 tấn trong năm 2021.
Hiện tượng La Nina làm cho cá di chuyển ra xa để tìm kiếm vùng nước ấm hơn, và các tàu phải dành nhiều ngày hơn trên biển. Điều này có nghĩa là nếu một chuyến đi đánh cá bình thường kéo dài từ 30 đến 45 ngày, thì hiện phải kéo dài từ 60 đến 70 ngày, điều này đã làm tăng chi phí sản xuất lên 15% do chi tiêu nhiều hơn cho nhiên liệu và thực phẩm cho thủy thủ đoàn trên tàu.
Theo một báo cáo của Phòng nghề cá quốc gia Ecuador (CNP), hiện tượng này dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 3, do đó trở thành hiện tượng dài nhất trong 66 năm qua với thời lượng 34 tháng. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến tháng 4, nó sẽ trở thành một trong những đợt dài nhất trong 120 năm qua — đợt La Nina dài nhất từng được ghi nhận là kéo dài 37 tháng, từ mùa xuân năm 1973 đến mùa xuân năm 1976, theo Cơ quan Hải dương học Quốc gia và Quản lý Khí quyển Mỹ. Sau đó, một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 3 tháng sẽ bắt đầu cho đến khi hiện tượng El Nino – một giai đoạn ấm áp – bắt đầu.
Sức cạnh tranh bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc
Theo Phòng công nghiệp và chế biến cá ngừ Ecuador (Ceipa), trong năm 2023, Ecuador sẽ phải tìm cách giành các thị trường mới và lấy lại các thị trường hiện có, không chỉ ở EU mà còn ở Argentina, Chile và Peru.
Theo Giám đốc điều hành của Ceipa, Ecuador sẽ không chỉ tìm cách mở lại thị trường mà còn xác định chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn ở thị trường Bắc Mỹ trong năm nay. Ngoài ra, ngành cá ngừ Ecuador còn phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga và Ukraine và sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nước châu Á.
Ngoài ra, theo Jimmy Anastacio, nhà phân tích và cố vấn của CNP, ngành cá ngừ của Ecuador phải đối mặt với một năm 2023 “rất phức tạp” vì sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung loin cá ngừ của nước này cho thị trường EU.
Anastacio cho biết thị phần của Ecuador trên thị trường cá ngừ EU đã giảm từ 32% năm 2015 xuống 26% vào năm 2022, trong khi thị phần của Trung Quốc tăng từ 9% lên 24% trong cùng thời kỳ.
Nhu cầu của EU tăng đáng kể từ 135.000 tấn trong năm 2017 lên 163.000 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tăng này chủ yếu do Trung Quốc đáp ứng, nước này đã tăng từ 11.4000 tấn thăn cá ngừ bán sang EU trong năm 2017 lên 32.300 tấn.
Đồng thời, hạn ngạch thuế quan bằng 0% đã tăng từ 25.000 tấn lên 35.000 tấn trong giai đoạn này trong khi nhập khẩu từ Ecuador giảm 3.300 tấn xuống 48.000 tấn. Rõ ràng, hạn ngạch không bù đắp được sự thiếu hụt trong khả năng cung cấp nguyên liệu thô từ các quốc gia mà EU có hiệp định thương mại, chẳng hạn như Ecuador, mà thay vào đó, các nước EU đang chuyển hướng thương mại sang các quốc gia được hưởng lợi từ hạn ngạch này và cung cấp nguyên liệu thô rẻ hơn.
Ngành công nghiệp chế biến cá ngừ của Ecuador xuất khẩu loin/thịt cá ngừ hấp, đông lạnh.. đóng lon, túi và chai thủy tinh, ở các dạng khác. Các thị trường XK chính của nước này là EU, Mỹ Latinh và Mỹ.
Nguồn: (Theo undercurrentnews)