Hướng tới các công ty tham gia ISSF đều được chứng nhận MSC

Kế hoạch chiến lược của Tổ chức Phát triển Thủy sản Bền vững Quốc tế (ISSF) cho giai đoạn 2023-2027, “Liên tục cải thiện tính bền vững của nghề cá ngừ toàn cầu”, được công bố vào ngày 28/2/2023. Kế hoạch nêu bật nghiên cứu, vận động chính sách và cách tiếp cận của ISSF để đạt được tính bền vững của nghề cá ngừ trong các công ty thành viên trong 5 năm tới, bao gồm thực hiện đầy đủ kế hoạch chứng nhận MSC.

Kế hoạch chiến lược mới mở rộng tiếp cận nhiều bên liên quan, nhưng chứng nhận MSC vẫn là trọng tâm của kế hoạch. ISSF đặt mục tiêu 5 năm là tất cả các công ty tham gia khai thác cá ngừ đáp ứng và duy trì tiêu chuẩn chứng nhận MSC hoặc có thời hạn rõ ràng để đáp ứng tiêu chuẩn trước 2027.

Ước tính thị trường cá ngừ toàn cầu sẽ đạt giá trị 50,2 tỷ USD (47,4 tỷ EUR) vào năm 2028, với gần 60% tổng sản lượng khai thác cá ngừ hiện có nguồn gốc từ Tây và Trung tâm Thái Bình Dương. Theo Tình trạng trữ lượng ISSF năm 2023, 11% sản lượng đánh bắt cá ngừ toàn cầu là từ trữ lượng bị đánh bắt quá mức.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với ISSF trong việc quản lý cá ngừ bền vững là bản chất của các loài cá ngừ

Một trong những thách thức lớn nhất đối với ISSF trong việc quản lý cá ngừ bền vững là bản chất của các loài cá ngừ. Cá ngừ bơi qua toàn bộ lưu vực đại dương, điều này đòi hỏi nhiều quốc gia không chỉ đồng ý về những gì cần thiết cho việc quản lý mà còn thực hiện và thi hành các thỏa thuận đó.

Vì vậy, quy trình quản lý cá ngừ bền vững phải thông qua các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO). 5 RFMO cá ngừ chính chịu trách nhiệm cho 91% các đại dương trên thế giới đã đặt ra các giới hạn đánh bắt đối với trữ lượng và các biện pháp trữ lượng loại. Kế hoạch chiến lược mới nhất tiếp tục vận động các RFMO quản lý tốt hơn trữ lượng cá ngừ.

Thùy Linh (Theo seafoodsource)