XK cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh đang là 2 nhóm sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang khối thị trường này trong năm 2022. Trong khi, XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp sang khối thị trường này có xu hướng sụt giảm so với năm 2021, XK thịt/loin cá ngừ đông lạnh và các sản phẩm cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh, lại tăng. Riêng XK nhóm các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh tăng 58%.
Top 3 thị trường trong khu vực Trung Đông, NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam gồm Israel, Arập Xêut và Ai Cập. Trong khi XK sang Israel và Ai Cập giảm so với năm 2021, XK sang Arập Xêut tăng mạnh 168%.
Năm 2022, cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đã tạo cơ hội cho các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, càng về cuối năm thì nhiều nước tại khu vực này đã trải qua cuộc khủng hoảng do thiếu hụt đồng đô la và đồng nội tệ mất giá đã khiến tình trạng “lạm phát trì trệ” (sự kết hợp giữa lạm phát cao và trì trệ kinh tế) trở nên tồi tệ hơn. Điều này đang khiến cho việc lưu thông hàng hóa tại các nước này bị trệ do các DN không có tiền đô la để thông quan hàng hóa.
Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế khu vực Trung Đông năm 2023 sẽ tăng chậm lại, vì giá dầu mỏ và thị trường dầu mỏ sẽ không căng thẳng như năm 2022. Xu hướng chung của các thị trường NK cá ngừ trong đó có các nước Trung Đông sẽ không sôi động như nửa đầu năm 2022.